KPLC: Văn bản pháp luật Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ______________________________________________________________________________

Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12

Email In PDF.
Article Index
Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12
CHƯƠNG II CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN
CHƯƠNG III BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC
CHƯƠNG IV ĐIỀU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT VỀ KHOÁNG SẢN
CHƯƠNG V KHU VỰC KHOÁNG SẢN
CHƯƠNG VI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, SỬ DỤNG ĐẤT, NƯỚC, HẠ TẦNG KỸ THUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN
CHƯƠNG VII THĂM DÒ KHOÁNG SẢN
CHƯƠNG VIII KHAI THÁC KHOÁNG SẢN VÀ KHAI THÁC TẬN THU KHOÁNG SẢN
CHƯƠNG IX TÀI CHÍNH VỀ KHOÁNG SẢN VÀ ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
CHƯƠNG X TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN
Tất cả trang
Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010

 

QUỐC HỘI

----------------

Luật số: 60/2010/QH12

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------------


LUẬT

KHOÁNG SẢN

 

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật khoáng sản.

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Khoáng sản là dầu khí; khoáng sản là nước thiên nhiên không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

2. Nước khoáng là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất, có thành phần, tính chất và một số hợp chất có hoạt tính sinh học đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.

3. Nước nóng thiên nhiên là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất, luôn có nhiệt độ tại nguồn đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.

4. Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là hoạt động nghiên cứu, điều tra về cấu trúc, thành phần vật chất, lịch sử phát sinh, phát triển vỏ trái đất và các điều kiện, quy luật sinh khoáng liên quan để đánh giá tổng quan tiềm năng khoáng sản làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động thăm dò khoáng sản.

5. Hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản.

6. Thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và các thông tin khác phục vụ khai thác khoáng sản.

7. Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.

Điều 3. Chính sách của Nhà nước về khoáng sản

1. Nhà nước có chiến lược, quy hoạch khoáng sản để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ.

2. Nhà nước bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.

3. Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo chiến lược, quy hoạch khoáng sản; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản.

4. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hợp tác với các tổ chức chuyên ngành địa chất của Nhà nước để điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

5. Nhà nước đầu tư thăm dò, khai thác một số loại khoáng sản quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

6. Nhà nước khuyến khích dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội.

7. Nhà nước có chính sách xuất khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động khoáng sản

1. Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

2. Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

3. Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò.

4. Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.

Điều 5. Quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác

1. Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm:

a) Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật;

b) Kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật;

c) Ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan;

d) Cùng với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.

3. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 6. Lưu trữ thông tin về khoáng sản

1. Báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

2. Mẫu vật địa chất, khoáng sản phải được lưu giữ tại Bảo tàng địa chất thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Sử dụng thông tin về khoáng sản

1. Cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản có trách nhiệm cung cấp thông tin về khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin về khoáng sản phải trả phí sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin về khoáng sản phục vụ thăm dò khoáng sản phải hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; trường hợp sử dụng thông tin về khoáng sản phục vụ khai thác khoáng sản phải hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản.

Điều 8. Những hành vi bị cấm

1. Lợi dụng hoạt động khoáng sản xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Lợi dụng thăm dò để khai thác khoáng sản.

3. Thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

4. Cản trở trái pháp luật hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản.

5. Cung cấp trái pháp luật thông tin về khoáng sản thuộc bí mật nhà nước.

6. Cố ý hủy hoại mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị hoặc quý hiếm.

7. Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.